Hiện đang là cao điểm du lịch trong năm, hầu hết các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, tổ chức, cá nhân… đều có kế hoạch tổ chức du lịch cho cán bộ công nhân viên. Khi người người, nhà nhà đi du lịch cũng là lúc thị trường này được hâm nóng.

“Cháy” phòng đồng loạt

Tắc đường là “chuyện lạ có thật” đã diễn ra vào cao điểm cuối tuần tại trung tâm thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Nguyên nhân của tình trạng này là do khách du lịch ùn ùn đổ về không ngừng. Dòng người đi bộ tấp nập như chợ… Tết, cộng với hàng dàn xe du lịch cao cấp phủ kín đường Bình Minh vào các ngày cao điểm cuối tuần. Anh Nguyễn Thế Trung (Sóc Sơn, Hà Nội) có mặt trong dòng người tấp nập tại điểm du lịch Cửa Lò ngày 17/6 cho biết: “Đông đúc, nhộn nhịp là cảnh đang diễn ra từng ngày tại trung tâm khu du lịch Cửa Lò những ngày qua. Khác với sự èo uột của những năm về trước, năm nay thị trường du lịch sôi động hẳn. Đường phố đông kín xe du lịch, xe điện và người đi bộ”.


Rất đông người, xe tại điểm dừng nghỉ huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: C.T

Số người đến nghỉ dưỡng trước chưa kịp trả phòng khách sạn nhưng từng đoàn người, xe đã ập đến khiến khu du lịch này rơi vào tình trạng “cháy” phòng. Tại thời điểm này, khó để khách lẻ tìm ra phòng trống tại các khách sạn mặt đường Bình Minh. “Không thể tìm ra phòng lẻ tại các khách sạn giáp bờ biển bởi tại các khách sạn này vẫn ưu tiên số một cho khách đi đoàn đông hàng trăm người. Có lẽ trong chuyến đi tới tôi phải nhờ người “săn” các khách sạn ở xa biển may ra còn phòng”, anh Trung nói.

Lý giải cho tình trạng hạn chế cho khách lẻ thuê phòng, một chủ khách sạn tại đây cho biết: “Đây là tháng cao điểm, khách đổ về đông nhưng phần lớn đều đi theo đoàn hàng trăm người. Khách đi đoàn không bao giờ muốn ở tách hai nơi nên cứ đoàn nào phù hợp với số phòng là chốt cho thuê toàn bộ phòng. Vì vậy cơ hội cho khách lẻ thuê phòng rất hạn hẹp. Nếu khách lẻ thuê một vài phòng thì các đoàn lớn cần hàng chục phòng/khách sạn sẽ bị xe lẻ”.

Tình trạng “cháy” phòng không chỉ diễn ra ở dãy khách sạn giáp bờ biển, các khách sạn, nhà nghỉ ở lối 2, lối 3 tính từ mặt phố chính cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cầu lớn hơn cung khiến giá phòng cũng tăng lên chóng mặt. “So với đầu hoặc cuối mùa du lịch thì giá phòng sẽ tăng gấp đôi, thậm chí vào những ngày cuối tuần, giá phòng đội lên khủng khiếp”, chị Lan, một hướng dẫn viên dẫn đoàn khách Hà Nội - Cửa Lò nói. Theo đó, các khách sạn lớn trên mặt đường Bình Minh giá giao động từ 1-1,2 triệu đồng/phòng/ngày. Các khu trong có giá phòng từ 450.000-800.000 đồng/phòng, ngày cuối tuần đều chạm ngưỡng từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng/ngày.

Hốt bạc từ các dịch vụ ăn theo

Ngoài cơ hội từ việc kiếm tiền cho thuê phòng ốc, người dân Cửa Lò đang vào mùa “hốt bạc” bởi các dịch vụ đi kèm du lịch. Theo thống kê sơ bộ, tại thị xã Cửa Lò có đến 500 xe điện hoạt động liên tục 24/24 để phục vụ khách. Giá niêm yết trên xe là 10.000 đồng/người/lượt. Mỗi xe có thể chờ từ 7-10 người lớn hoặc trẻ em. Mỗi chuyến xe đầy khách, chủ xe đã đút túi gần 100.000 đồng. Anh Toàn, một chủ xe điện tại thị xã Cửa Lò cho biết, ngày đông khách, mỗi chủ xe kiếm vài ba triệu đồng là chuyện… thường. “Không tốn tiền đổ xăng, xe điện hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Mùa cao điểm du lịch mỗi ngày các chủ xe không kiếm được bạc triệu/người thì quá xoàng. Xe điện ở đây “ăn đứt” taxi, vừa rẻ, vừa thoáng, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Khách cần đi bất kể đâu, ăn sáng, ngắm phố, dạo mát hay đi mua sắm, mua đồ hải sản… chúng tôi đều đáp ứng nhiệt tình”, anh Toàn vui vẻ khoe.

Cơ hội kiếm bộn tiền từ các khu du lịch còn được chia sẻ cho các điểm dừng nghỉ dọc hành trình. Tại khu vực miền Bắc, các tỉnh như Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… đang được hưởng lợi từ nhu cầu dừng nghỉ giữa hành trình của khách du lịch. Phần lớn các điểm dừng nghỉ tại tỉnh Hải Dương đều quá tải khi dòng người, xe ập vào. Tại các điểm ăn sáng ở TP Phủ Lý (Hà Nam) hay Phố Sấu (huyện Yên Thủy, Hòa Bình), điểm nghỉ chiều tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cũng ùn ùn người xe dừng nghỉ. Anh Sơn, chủ hàng ăn tại Phố Sấu cho biết, ngày thường nhà hàng chủ yếu phục vụ lái xe tải, cả ngày chỉ được vài chục khách. Nay vào mùa du lịch, chỉ riêng mỗi buổi sáng anh đã bán vèo hết cả trăm bát bún, phở.

Các điểm dừng nghỉ tại TP Phủ Lý - Hà Nam cũng được hưởng lợi không nhỏ. Khách đi du lịch thường dậy sớm và chưa kịp ăn sáng, khi đến Phủ Lý lại trùng vào giờ ăn sáng nên địa điểm này thường được chọn làm điểm dừng chân đầu tiên của các đoàn khách đi Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lệ Thủy… Tuy nhiên, “khủng” nhất trong các điểm dừng nghỉ phải kể đến điểm dừng tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trên đường Hồ Chí Minh. Cứ cuối giờ chiều mỗi ngày, điểm dừng nghỉ này “biến” thành bãi xe khách khổng lồ bên vệ đường. Các đặc sản của địa phương này như nem chua, trứng gà ta, mít, măng rừng, bánh gai… luôn hết sạch sau khi số xe này lăn bánh rời khỏi trạm dừng nghỉ.


“Ngày cao điểm thì bán vèo cả mấy ngàn cái nem chua. Đôi lúc xe nhỏ từ 4-16 chỗ lại tiêu thụ nhiều hàng hơn là khách từ xe to 45 chỗ. Xe nhỏ thường là xe gia đình nên điều kiện kinh tế khá hơn, nhiều xe to khách xuống rất đông nhưng chỉ bán được dăm chục cái nem mà thôi”, một nhân viên tại điểm dừng nghỉ tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Dấu chân khám phá © 2013. All Rights Reserved. Powered by VNCIT.COM
Top