Vào khung giờ vàng tối 23/5, kênh truyền hình Pháp "France 3" đã phát phóng sự dài nhan đề "Việt Nam-Rồng tỉnh giấc" giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên cũng như các phong tục tập quán đặc sắc của nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam.


Hình ảnh cầu Long Biên trên sóng truyền hình Pháp.

Trong chương trình "Du lịch qua màn ảnh nhỏ" có tên gọi "Faut pas rêver" (dịch nghĩa: Đừng mơ), nữ phóng viên Tania Young đã đưa khán giả truyền hình Pháp đi suốt chiều dài đất nước hình chữ S từ Hà Nội, Huế đến thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh cuộc sống của người dân các dân tộc Dao và Pà Thẻn ở vùng núi cao của tỉnh Hà Giang và cuộc sống bộn bề vất vả nhưng ấm áp tình người của người dân trên chợ nổi Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long, để lại rất nhiều cảm xúc trong người xem.

Khi xem phóng sự, khán giả Pháp không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến những màn tập thể dục của rất nhiều người dân thủ đô quanh khu vực Hồ Gươm khi Tháp Rùa còn tờ mờ trong sương sớm, hay những màn khiêu vũ cộng đồng dưới chân tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Nhóm phóng viên còn trò chuyện với một họa sĩ sáng tác bên chân cầu Long Biên, người luôn lấy cây cầu trăm tuổi, nhân chứng của bao sự kiện lịch sử của Hà Nội để làm cảm hứng cho các tác phẩm của mình. Chia tay người họa sĩ, nhóm phóng viên tiếp tục gặp gỡ một kiến trúc sư muốn biến cây cầu thành bảo tàng-không gian triển lãm cho tất cả các loại hình nghệ thuật.

Trong khi đó, những cảnh quay tại Huế khắc họa rõ nét sự cổ kính, trầm mặc của cố đô trong hệ thống đền đài, lăng tẩm. Đây có lẽ là địa danh hấp dẫn nhất đối với khán giả Pháp. Thực vậy, họ không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quay tuyệt đẹp từ trên máy bay về toàn bộ quần thể di tích nằm dọc hai bờ sông Hương với ba tòa thành là Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành biểu thị cho quyền uy của Vương triều nhà Nguyễn, mà còn được tìm hiểu về công việc trùng tu di tích nhằm tìm lại nét vàng son lộng lẫy xưa kia. Đặc biệt, nhóm phóng viên còn gặp gỡ một trong những phi tần cuối cùng và được nghe nhân chứng sống kể về cuộc sống chốn hậu cung trước Cách mạng tháng Tám.


Đến với thành phố Hồ Chí Minh, đạo diễn và ê-kíp làm phim phác họa nhanh nhịp sống sôi động và những tòa nhà hiện đại trong thành phố. Họ dành nhiều thời gian kể về cuộc sống của những thương lái trên các con thuyền ngày ngày ngược xuôi trên hệ thống sông ngòi chằng chịt của dòng sông mẹ Mê Công đến tận các miệt vườn xa xôi mua trái cây về bỏ mối tại các chợ trong thành phố. Cuộc sống của những người lao động lam lũ với những nét sinh hoạt dân dã của miền quê thuần chất miệt vườn đã để lại dư vị ngọt ngào cho khán giả.

Ngoài ra, nhóm làm phim cũng giới thiệu về lễ hội chùa Hương với các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, nét đặc sắc của nghệ thuật rối nước, vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên và là một địa danh không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào đến với Việt Nam. Trong gần 2 giờ, phóng sự đã cho thấy bức tranh về một Việt Nam với rất nhiều cảnh đẹp quyến rũ và các sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc. Những hình ảnh về cuộc sống giản dị nhưng đậm chất nhân văn của người dân nơi đây khiến người xem xúc động, cảm phục và thêm yêu mến Việt Nam, đất nước thanh bình và đang vươn lên mạnh mẽ.


Sông nước Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Dấu chân khám phá © 2013. All Rights Reserved. Powered by VNCIT.COM
Top