Đàn ông muốn tán tỉnh gái làng phải rửa chân cho người yêu, nếu kết duyên cùng bà góa, phải tự tay bốc mộ cho chồng quá cố của người đó.
“Làng đàn bà” thuộc thôn 7 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Nguồn cơn hình thành nên làng gắn liền với những số phận tình duyên đứt đoạn của một số người phụ nữ nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Linh (71 tuổi) cho biết, bắt đầu từ đầu những năm 1980, nơi đây là mảnh đất mưu sinh của rất nhiều chị em quê tận vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đi kinh tế mới. Có những cô còn quá trẻ bị bạn trai lừa tình, vội vàng trao thân rồi bị ruồng bỏ phải tha phương. Có người vì chịu không nổi cảnh sống độc thân đã chủ động “xin con” rồi làm mẹ đơn thân. Thấy phái nữ chiếm tỷ lệ đa số, có người buột miệng gọi “làng đàn bà”. Kể từ đó, người ta truyền miệng tên làng thành “làng đàn bà” thông dụng như bây giờ.
Một số phụ nữ xa gia đình, không còn sự quản thúc của cha mẹ, lại thiếu thốn tình cảm nên ở “làng đàn bà”, chuyện trai gái lấy nhau rất dễ dàng. Cô này, anh kia chỉ cần ưng nhau là dẫn nhau vào chòi trong rẫy chuyện trò. Khi chán, họ nói lời chia tay nhẹ như lông hồng. Để rồi xảy ra một số câu chuyện lạ đời đi ngược với thuần phong mỹ tục. Điển hình như câu chuyện của anh Trần Thiên Ninh (ngụ xã Lộc Tân) đã có vợ và hai đứa con trai chăm ngoan lại học giỏi, nhưng vẫn tìm đến “làng đàn bà” quan hệ công khai với cô gái quá lứa lỡ thì Nguyễn Thị Ly.
Một người dân trong làng kể lại phong tục kỳ lạ của ngôi làng đàn bà.
Khi gia đình, vợ con làm lớn chuyện, anh Ninh tức giận bỏ về nhà chị Ly sống luôn. Hai người sống chung được chưa đầy hai tháng, chị Ly yêu cầu anh Ninh phải về nhà khuân hết tài sản sang nhà mình. Anh Ninh không đồng ý, chị Ly tức giận mắng chửi suốt ngày. Đợi đến lúc anh Ninh hết sạch tiền trong túi, chị Ly dẫn về người đàn ông khác về nhà “sống thử” trêu ngươi. Anh Ninh nổi nóng, bị Ly và người tình mới đuổi ra khỏi nhà.
Khác với Ly, chị Dương Thị Hà góa chồng ở vậy nuôi con. Thấy chị Hồng chịu thương chịu khó, anh Lê Tiến Hiền (quê Bình Định, là người đến làm rẫy thuê) buông lời tỏ tình nhưng người đàn bà này vẫn từ chối thẳng thừng. Dẫu vậy, anh này không chịu từ bỏ, giả vờ làm việc không công, đồng thời chuyển sang đối xử tốt với con gái chị Hà.
“Chiêu thức” này khiến chị Hà xiêu lòng ngả vào vòng tay của người đàn ông. Sau một năm chung sống, chị sinh được đứa con trai. Tới khi đứa con gần hai tuổi, anh viện lý do ở quê nhà mẹ đang ốm nặng phải về gấp.
Hôm chị đưa “chồng” ra bến xe, anh hẹn một tuần sau sẽ quay trở lại. Đợi mãi, đợi mãi cho đến bây giờ đã gần 6 năm nhưng người đàn ông vẫn biệt tăm tích. Dù rất giận, nhưng nhìn vào đứa con trai, chị vẫn bâng khuâng hy vọng một ngày nào đó, cha đứa bé sẽ quay trở lại.
Nhiều phụ nữ trong làng đều ít nhất một lần tan vỡ hạnh phúc. Và khi họ cố gắng chắp nối theo dạng “rổ rá cạp lại”, chuyện tan vỡ vẫn tái diễn, chịu cảnh đơn thân nuôi con.
Vợ chồng bà Dương ông Tùng không chịu nổi sự dị nghị của người đời đã bán nhà rời khỏi “làng đàn bà”
Rút kinh nghiệm để đời, phụ nữ trong làng nảy ra ý tưởng lập “luật” riêng lạ đời, đó là đàn ông, con trai khi tán tỉnh gái ở làng phải làm lễ ra mắt bằng cách tự tay rửa chân cho người yêu. Nếu kết duyên cùng bà góa phụ, người đàn ông đó phải tự tay bốc mộ, rửa xương cho hài cốt người chồng quá cố của “cô dâu”.
Không ai nhớ luật lạ ở “làng đàn bà” ra đời cụ thể từ năm nào nhưng ước tính từ đầu những năm 1980 và đến nay được người dân trong làng tuân thủ nghiêm ngặt. Điển hình như trường hợp bà Trần Thị Dương (sinh năm 1965, quê Thanh Hóa).
Lúc trẻ, bà Dương có nhan sắc hơn người. Năm 1988, bà vào huyện Lộc Tân vỡ đất khai hoang trồng trọt. Tại đây, bà quen với ông Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1960, quê Quảng Ngãi) cũng vào nhập cư ở “làng đàn bà”.
Qua vài tháng tìm hiểu, hai người nên vợ thành chồng. Song khi bà Dương sinh được ba người con thì người chồng không may bị người anh họ lỡ tay dùng súng săn bắn chết. Lo lễ tang cho chồng xong xuôi, mẹ con bà để tang chồng ba năm. Thấy cuộc sống tẻ nhạt và cô quạnh nên bà xin phép bố mẹ chồng cho phép về quê, vừa để sinh sống, một phần muốn được tái giá để có người đỡ đần việc gia đình.
Thế nhưng, cha mẹ chồng bà Dương rất khắt khe trong việc cho con dâu tái giá vì sợ xảy ra cảnh cha dượng ngược đãi cháu nội mình. Vin vào đó, bố mẹ chồng nhất quyết không cho con dâu đi bước nữa. Đồng thời, họ lấy điều luật lạ lùng của ra điều kiện: “Ai muốn lấy Dương làm vợ phải tự tay bốc mộ, rửa xương cho Khánh (chồng bà Dương đã chết) thì gia đình mới bằng lòng”.
Cứ tưởng sự thách thức ngược đời của bố mẹ chồng sẽ chẳng ai dám nhận lời. Nhưng ông Nguyễn Tuấn Tùng (sinh năm 1960) đã chấp nhận lời “thách cưới” của bên gia đình chồng bà Dương, tự tay bốc mộ, rửa xương cho chồng cũ của bà Dương.
Sự thử thách của gia đình chồng bà Dương đối với ông Tùng vẫn chưa hết. Gia đình nhà chồng bà Dương còn yêu cầu ông Tùng phải chôn mộ chồng cũ của vợ trước nhà để lo hương khói. Việc làm này không được ông Tùng chấp nhận. Bắt buộc bà Dương ông Tùng phải cúi đầu van lạy cha mẹ người chồng quá cố.
Từ đó, chuyện ông Tùng lấy được vợ trở thành tâm điểm nơi đây. Có người khen ngợi nói tình yêu sâu sắc, người đàn ông dũng cảm, kẻ nói ông Tùng điên rồ. Không chịu nổi sự dị nghị của miệng lưỡi thế gian, vợ chồng ông sống ở “làng đàn bà” đến năm 2003 thì chuyển ra thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) thường trú hẳn.
Ông Nguyễn Đức Nhẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lộc Tân cho hay: “'Làng đàn bà' được người dân tự đặt tên còn tên trên bản đồ địa chính gọi là thôn 7. Hàng chục năm nay trong làng có nhiều gia đình không có bóng dáng người đàn ông bởi tình trạng ly hôn, ly thân quá nhiều.
Một số còn sống chung nhưng do bất hòa về quan điểm, lối sống, cũng sắp có nguy cơ tan vỡ. Cán bộ, ban ngành xã Lộc Tân đã nhiều năm tích cực vận động, tuyên truyền để bà con có lối sống hướng tới gia đình văn hóa, nhằm xóa bỏ những giai thoại không hay về làng”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét