Việt Phủ Thành Chương là một sự bổ sung nhiều ý nghĩa làm đầy đủ thêm cho các điểm đến du lịch nổi bật ở Hà Nội như Văn Miếu Quốc tử giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Lăng Bác - nơi an nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nằm ở vùng đồi núi thuộc xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, cách không xa sân bay Nội Bài, có một bảo tàng ngoài trời độc đáo được nhiều du khách trong nước và ngoài nước biết đến với tên gọi Việt Phủ Thành Chương. Đây là một không gian văn hóa, nghệ thuật và tâm linh truyền thống Việt Nam, trưng bày những cổ vật quí giá và các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa, thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc và vẻ đẹp của nền văn hóa Việt có bề dày hàng nghìn năm lịch sử.


Vẻ đẹp của nền văn hóa Việt có bề dày hàng nghìn năm lịch sử

Tạp chí nổi tiếng New York Times nêu "Việt Phủ Thành Chương là một sự bổ sung nhiều ý nghĩa làm đầy đủ thêm cho các điểm đến du lịch nổi bật ở Hà Nội như Văn Miếu Quốc tử giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Lăng Bác - nơi an nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.



Thủy đình, nơi phục vụ hoạt động múa rối nước.

Chiếc cổng tam quan, do Thành Chương thiết kế, dẫn đến một chiếc ao nhỏ. Vắt ngang mặt nước là chiếc cầu đá 500 năm tuổi. Giữa ao là một nhà hát, nơi biểu diễn múa rối nước – một thể loại nghệ thuật dân gian Việt Nam. Các buổi biểu diễn ca hát và múa cổ truyền cũng đôi khi được tổ chức tại một nhà hát trong nhà với sức chứa khoảng 80 khán giả. 


Những sự sắp đặt, tinh tế và đầy ẩn ý.

Bên kia hồ là ngôi nhà sàn, từng thuộc sở hữu của một nông dân ở tỉnh Hòa Bình. Còn có một ngôi nhà mái tranh với tường đất, mà theo chủ nhân nói rằng ông đã mô phỏng lại căn nhà mà thời thơ ấu, gia đình họ đã trú ngụ tại tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian Việt Nam kháng chiến chống Pháp đầu những năm 1950. Ngoài ra có một vọng lâu với mái ngói, trước có treo một biển gỗ màu đen trên in dòng chữ bằng tiếng Hán cổ có nghĩa “Tọa hưởng xuân phong”. Âm thanh náo nhiệt nhất nơi này chính là tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng kêu và đôi khi cả tiếng máy bay bay qua đầu.


...mô phỏng lại căn nhà mà thời thơ ấu...

Cây thế, cây cổ thụ và những loại cây cỏ thân quen của miền đất Bắc Bộ cũng lập thành sưu tập sống của Việt Phủ. Hiểu rõ và giải mã được những đặc tính và vẻ đẹp riêng biệt của từng loài cây cỏ, Thành Chương hành động như một người thợ về cây cảnh và tạo cảnh, như một nghệ sỹ sắp đặt, hòa phối chúng vào thể đất, lồng ghép chúng vào các tế bào của trưng bày, tạo nên một bản giao hưởng đặc sắc.


Một phần bên trong Việt Phủ.

Ở Việt Phủ, Thành Chương thể hiện mình, cùng một lúc, như là một curator (quản thủ bảo tàng), chuyên gia trưng bày, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, người thực thi dự án, người thợ thủ công đích thực. Người thợ thủ công, xuất xứ từ nông dân và chưa hề bao giờ tách lìa khỏi lũy tre làng cùng ruộng đồng, với những phẩm chất quý báu, - cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, cầu toàn và khéo tay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Dấu chân khám phá © 2013. All Rights Reserved. Powered by VNCIT.COM
Top