Đóng góp vào sự độc đáo cùng với hơn 40 làng nghề tại Hà Nam, làng Vọc ở huyện Bình Lục là một làng nghề nổi tiếng với rượu Vọc. Về thăm làng Vọc ta sẽ được thấy cuộc sống no ấm cùng với nghị lực vươn lên của người dân vùng đất chiêm khê mùa thối.
Làng nghề rượu Vọc thuộc xã Vũ Bản được coi là làng thịnh vượng hơn cả nhờ có nghề nấu rượu gạo truyền thống. Ngoài công việc chính làm ruộng, hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia ít nhiều vào nghề này: hoặc làm men, buôn bán men, nấu rượu hay mở cửa hàng bán rượu.
Từ bao đời nay, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu. Rượu được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc. Công đoạn làm rượu rất công phu. Từ lúc úp men phải trải qua 2 – 3 ngày, chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ 48 tiếng, khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu.
Từ lâu người làng Vọc đã xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Vọc, rượu chỉ dùng men thuốc Bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hiện nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người làng Vọc vẫn cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Cầm chai rượu trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai bám chặt với nhau toả ra hương thơm ngào ngạt.
Nói tới rượu làng Vọc, không ai không nhắc tới thương hiệu Vọc Long Tửu của gia đình ông Nguyễn Văn Long, người đã có công lớn trong việc vực dậy danh tiếng của rượu làng Vọc trước sự suy giảm chất lượng men và sự tấn công ồ ạt của các loại rượu ngoại cùng nhiều sản phẩm đồ uống trên thị trường. Sinh ra trong gia đình theo nghề nấu rượu lâu đời, ông Long rất buồn khi thấy rượu quê mình ngon mà chỉ bán quanh quẩn mấy vùng lân cận. Ông quyết định phải xây dựng một thương hiệu cho rượu Vọc để có thể tự tin mang sản phẩm quê mình đi xa hơn nữa, đó là thương hiệu Vọc Long Tửu.
Hiện nay, Vọc Long Tửu đang có mặt trên thị trường cả nước nhất là các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và được du khách mua làm quà mang sang các nước Nhật, Đức, Pháp, Nga… để làm quà và quảng bá thương hiệu. Vọc Long Tửu đã đoạt được nhiều giải, cúp vàng về chất lượng và mẫu mã cùng nhiều câu thơ ca tụng.
Cùng với bí quyết gia truyền và sự chịu thương, chịu khó của người dân làng nghề, làng Vọc còn được thiên nhiên ban tặng cho một nguồn nước quý để tạo nên sản phẩm rượu Vọc có hương vị đặc trưng mà những nơi khác không thể có được dù có cùng bí quyết nấu rượu.
Nhờ sự giáo dục qua nhiều thế hệ làng nghề về cái tâm trong sáng nên dù trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt nhưng rượu Vọc vẫn giữ được hương vị đậm đà, không phai lẫn với hàng trăm thứ rượu đang có mặt trên thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh, rượu chỉ đóng trong vò sành, nậm gốm chứ không đựng trong can hoặc chai nhựa. Được khách hàng gần xa biết đến, nhất là trong thời kỳ hội nhập WTO, thị trường rượu Vọc ngày càng mở rộng. Trước đây, làng chỉ bán ra thị trường 1 triệu lít /năm, nay tăng lên gấp 2 lần. Nhờ rượu, mỗi năm Vũ Bản đạt giá trị thu nhập 22 – 25 tỷ đồng. Hương rượu Vọc đã bay tới Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, là món quà không thể thiếu của những người con xa quê hương. Nhờ làm rượu mà làng Vọc đã thay da đổi thị, đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, nhà cao tầng mọc lên san sát, làng không còn hộ đói, hộ khá giàu tăng mạnh.
Năm 2006, rượu Vọc đã đoạt giải nhất về mẫu mã và giải nhì về chất lượng tại Hội thi tuyển chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống do Bộ Văn hoá – Thông tin tổ chức. Đầu năm 2007, rượu Vọc được tặng Bằng khen tại Hội chợ triển lãm thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với giá trị văn hoá ẩm thực cùng bề dày truyền thống của làng, ngày 10/5/2007, làng đã được đón nhận danh hiệu “Làng nghề rượu Vọc” theo quyết định của UBND tỉnh. Không những thế, dự án đăng ký nhãn hiệu tập thể rượu Vọc với Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ sớm được hoàn thiện và triển khai thành công trong thời gian tới . Đây sẽ là bước đệm để rượu Vọc vươn xa hơn nữa.
Các cấp lãnh đạo xã Vũ Bản đã đưa ra chủ trương coi làng nghề rượu Vọc là vùng kinh tế trọng điểm của xã. Để giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, chính quyền địa phương sẽ dồn sức đầu tư, khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của làng, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Dự kiến, xã sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chế biến rượu Vọc với tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng, đồng thời dành khoảng 100 ha để trồng các giống lúa đặc sản cung cấp cho làng nghề.
Với sự quyết tâm phát triển nghề của những người dân làng Vọc như ông Long cùng thương hiệu Vọc Long Tửu và cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền như trên, rượu Vọc đã trở thành đặc sản quý không chỉ của Hà Nam. Niềm tự hào đó nhắc nhở người làng Vọc càng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống của làng nghề, để rượu Vọc chiếm lĩnh được thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét